fbpx

Cần làm gì để đảm bảo an toàn cho con khi học online tại nhà

An toàn điện: Cần chọn không gian học thông thoáng

Cần lưu ý đến không gian cho con ngồi học. Ở đó không nên đặt dây điện rườm rà, rắc rối khiến trẻ vô ý vướng phải hoặc làm một số bạn nhỏ có tính tò mò có thể kéo giật. Nơi học cũng cần thoáng đãng, tránh học ở chỗ gần nguồn nước, vòi nước hay nơi ẩm thấp vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ giật điện nếu dây cắm hở hoặc đầu cắm ướt.

Để tăng độ an toàn với hệ thống điện trong gia đình, đặc biệt là những nhà có con nhỏ, cha mẹ nên gắn thêm CB chống giật (atomat chống giật). Đây là công cụ có chức năng ngắt điện khi có dòng điện rò xuống đất hay có người bị điện giật. Trong trường hợp không may có sự cố với các thiết bị điện con đang dùng học trực tuyến, cầu dao sẽ tự ngắt tức thì, nhờ đó giảm được tối thiểu mức độ nguy hiểm do tai nạn gây ra.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có một số loại ổ điện có nắp hoặc có một lớp bảo vệ, giúp phần nào ngăn chặn trẻ đụng vào. Trẻ cũng cần một tác động lực đủ mạnh mới mở được lớp bảo vệ và chạm vào nguồn điện, từ đó cũng bớt đi nhiều rủi ro. 

An toàn thiết bị: Thay mới pin khi quá cũ

Pin quá cũ cũng là một rủi ro cho trẻ khi học trực tuyến - Ảnh: WIKIHOW
Pin quá cũ cũng là một rủi ro cho trẻ khi học trực tuyến – Ảnh: WIKIHOW

Lý tưởng nhất là trước buổi học chúng ta cần chủ động sạc đầy pin với cả điện thoại hay laptop. Trong thời gian nghỉ giải lao, con có thể tiếp tục mang đến sạc, đến giờ vào học lại thì mang thiết bị vào học tiếp.

Không nên vừa sạc vừa học, đặc biệt với điện thoại. Ở một số dòng điện thoại, việc vừa sạc vừa dùng, nhất là với tác vụ đòi hỏi hiệu suất và thời gian sử dụng dài như học trực tuyến, sẽ tạo áp lực lớn lên pin khiến pin dễ nóng, phồng hay thậm chí phát nổ.

Cũng cần thường xuyên kiểm tra bộ sạc bởi đây là công cụ truyền điện từ ổ cắm đến thiết bị. Cần xem bộ dây sạc của laptop hay điện thoại có hở, đứt ở đâu hay không, nếu có nên lập tức thay mới.

Tuổi thọ của pin cũng là điều đáng lưu ý. Pin laptop tuổi từ 12 – 24 tháng là bắt đầu giảm hiệu suất, đến 3 – 5 năm là tiềm ẩn hiểm nguy. Vì vậy, nếu có điều kiện cần thay mới pin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, dù có thể tốn một ít chi phí nhưng sẽ giữ được an toàn và khả năng làm việc của máy.

An toàn thông tin: Nên dùng 2 tài khoản khác nhau

Thiết lập tài khoản riêng cho trẻ sử dụng máy tính của cha mẹ - Ảnh: TECH ADVISOR
Thiết lập tài khoản riêng cho trẻ sử dụng máy tính của cha mẹ – Ảnh: TECH ADVISOR

Ông Lê Đình Nhân – Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena – chia sẻ an toàn thông tin cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi cho trẻ học trực tuyến. Trẻ con có tính hay tò mò, kẻ xấu có thể lợi dụng đặc điểm này để gửi những đường link lạ về máy tính, điện thoại. Ở một số trường hợp, khi trẻ vô tình ấn phải những link này có thể sẽ đưa virus hay mã độc về máy làm mất thông tin hoặc hư hại thiết bị.

Tuy nhiên theo ông Nhân, nguy cơ này không đáng lo bằng việc những đường link có thể ẩn chứa những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm… Điều này có thể tổn hại đến tinh thần của trẻ hoặc dẫn trẻ vào những con đường không mấy tích cực trên môi trường số.

Vì vậy, cha mẹ ngoài việc để ý đến con trong quá trình học online thì rất cần xem lại lịch sử truy cập trên máy tính của trẻ sau mỗi ngày học để biết con đã vào những trang web nào. Khi biết được trẻ làm gì trên mạng, phụ huynh sẽ dễ dàng có cách điều chỉnh. Hiện cũng có nhiều phần mềm có thể ngăn trẻ tiếp cận đến những nội dung không lành mạnh, phụ huynh cũng có thể cân nhắc cài đặt.

Một lưu ý nữa mà ông Nhân đưa ra là cha mẹ nên tạo thêm tài khoản khi cho con dùng máy tính của họ. Nếu đăng nhập vào tài khoản phụ, mọi hoạt động của con trên đó không ảnh hưởng đến dữ liệu trên tài khoản chính của phụ huynh. 

Ngoài ra, những gì cha mẹ tìm kiếm, tương tác máy cũng sẽ không hiện ra khi con sử dụng cùng chiếc máy ấy. “Đây là cách khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, vừa bảo vệ được tài liệu của phụ huynh vừa giúp con thoải mái hơn khi dùng máy của cha mẹ” – ông Nhân nói.

Nguồn: https://tuoitre.vn/cha-me-can-ghi-nho-3a-khi-cho-con-hoc-online-20210912004202853.htm