fbpx
Back

Nỗi ám ảnh thi cử của những cỗ máy học và học

TTO – Những năm gần đây, thi cử trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh và phụ huynh. Để rồi cái khổ thuộc về học sinh – những cỗ máy chỉ biết học và học…

Bên ngoài cổng trường thi tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều năm gần đây, thi cử trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh và phụ huynh. Để rồi tự lúc nào, áp lực thi cử đè nặng khiến giáo viên không dám dạy theo cách mình muốn, phụ huynh cũng chẳng dám để con được học theo cách tốt cho con, học sinh vì thế không được là chính mình.


35 tuổi, nhìn lại những chặng đường của mình, tôi chỉ mong không còn có những bạn trẻ giống tôi. Bạn trẻ đừng để mình bị nhấn chìm bởi những ước mơ, kỳ vọng và mục tiêu của người lớn như tôi đã từng trải qua.

ÁI LINH

Cha mẹ học sinh vẫn luôn khao khát con vào đại học để được đổi đời và lấy thành tích của con làm niềm vui, niềm tự hào cho mình dù ngoài đời thực hay ngay cả trên mạng xã hội. Để rồi cái khổ thuộc về học sinh – những cỗ máy chỉ biết học và học.

Vậy có phải lỗi thuộc về các kỳ thi? Tôi nghĩ là không. Bởi kỳ thi chỉ là cuộc thử sức năng lực, người học sẽ tự lượng được sức mình và có những hướng đi đúng đắn. Thế nhưng, nhìn lại những kỳ thi hiện nay đã thực sự giúp các bạn trẻ định vị được mình hay chưa? 

Nhớ lại, từ thời tiểu học đến phổ thông, tôi là “gà chọi” tham gia không ít cuộc thi. Hồi đó, ngoài học trên lớp, học thêm, tôi cũng phải học bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi. Ba mẹ tôi hết sức tự hào vì có con gái năm nào cũng có mặt trong các đội ngũ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố và quốc gia. Giáo viên của tôi thì luôn dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt.

Khi đó, có lúc tôi cảm thấy mình học không phải cho riêng bản thân nữa, cũng không còn cho riêng ba mẹ nữa. Tôi phải học để thi làm sao cho ra giải thưởng cao nhất. Nỗi ám ảnh thi cử ấy khiến tôi trống rỗng. Tôi từng ao ước những ngày đến trường chỉ có học chứ không có thi. 

Tôi ước giá như mình không phải tham gia những cuộc thi ấy, ước mình không phải “gà chọi” để nặn giải thưởng. Có lúc tôi chỉ ước được nghỉ một buổi học, được ngủ đủ giấc… Có những lúc tôi hận những kỳ thi, chán ghét cuộc sống, chán ghét những giải thưởng. Dường như cuộc đời tôi là một chuỗi những kỳ thi đáng sợ.

Cho đến khi bước vào kỳ thi đại học (năm 2003), tôi đã trượt. Mọi thứ trong mắt tôi vụn vỡ không phải vì mình đã thua mà vì tôi trở thành đứa thất bại trong mắt ba mẹ. Khi đó, tôi tưởng mình đã không thể đứng vững bởi sự thất vọng của ba mẹ, sự bức bối trong không khí gia đình, những lời bóng gió của láng giềng khiến ba mẹ ăn không ngon, ngủ không yên. 

Nhưng không hiểu sao sau những ngày đóng cửa trong nhà, tôi dần lấy được tinh thần, tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ lòng, như trút được gánh nặng. Bởi đó là lần đầu tiên trong đời tôi cho phép mình được thua. Cái cảm giác nhẹ bẫng tôi còn nhớ mãi. Tôi đã từng bị những kỳ thi đè nén, hù dọa. Guồng quay của những kỳ thi từng khiến tôi chẳng có nổi một niềm vui của riêng mình suốt thời tuổi trẻ.

Tôi được nếm trải thất bại và không hiểu sao tôi chẳng khác gì một đứa trẻ bi bô tập nói, tập làm quen với cuộc sống. Và khi đó, tôi mới biết mình là “một con người” theo đúng nghĩa, không phải sống theo cách người khác muốn mà sống theo cách mình thích, được nâng niu những cảm xúc của bản thân. 

Năm ấy, tôi quyết định đi học trường nghề. Điều đó đã khiến ba mẹ tôi sửng sốt nhưng tôi đã thuyết phục và tự cho chính mình cơ hội. Sau 2 năm học nghề, tôi học liên thông lên cao đẳng và sau đó tôi đã học đại học. Trượt đại học như một cú sốc đối với ba mẹ tôi nhưng lại giúp tôi cơ hội được là chính mình.

Đánh đổi thanh xuân

Rõ ràng, kỳ thi không còn là cuộc thử sức nữa mà đang đẩy học sinh gò mình trong những khuôn khổ đến mức đánh đổi tuổi thanh xuân cho việc học. Tự khi nào, thi cử trở thành nỗi sợ. Cha mẹ biến con trở thành những cái cây yếu đuối, dành cả tuổi thanh xuân chỉ để học. Giáo viên cũng gạt lòng yêu nghề của mình, trở thành những cỗ máy dạy, thành những chuyên gia luyện thi để học trò đạt kết quả cao nhất. Vì thế, không khó để nhận ra nhiều bạn trẻ trở nên run rẩy trước ngưỡng cửa cuộc đời, có nên không?

Nguồn: https://tuoitre.vn/noi-am-anh-thi-cu-cua-nhung-co-may-hoc-va-hoc-20200515085806799.htm